#1 Quán giá Yên Sở-Độc đáo kiến trúc cổ hàng nghìn năm
Вставка
- Опубліковано 23 січ 2025
- Quán Giá là đền thờ chung của hai xã Đắc Sở và Yên Sở, trước kia gọi là Kẻ Sở, rồi Cổ Sở, nhưng tên muộn vẫn là Giá. Dân địa phương vẫn thường gọi là quán Giá. Quán ở địa phận xã Yên Sở, tên nôm là Giá Lụa. Trước cách mạng 1945, xã Yên Sở thuộc tổng Dương Liễu, huyện Đan Phượng, sau thuộc huyện Hoài Đức. Quán ở trong bãi sát chân đê sông Đáy. Quán được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1991.
Tổng thể Quán Giá
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và tài liệu của địa phương, Quán Giá thờ Lý Phục Man là người làng Giá, sinh ra ở xóm Lã Xá (gọi chệch là Lựa) giáp Cảo (Quả) Tây. Ngày nay, ở xóm Lựa vẫn còn ngôi nhà thờ cha mẹ ngài. Đó là chùa Lựa, vì dân làng tôn vinh đấng sinh thành ra ngài như là Đức Phật, cho nên ngôi nhà gọi là chùa mà không có Phật, chính là nơi sinh của Lý Phục Man. Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên thì viết rằng, năm 1016, vua Lý Thái Tổ đã đi kinh lý qua đây và cho lập đền thờ tướng Lý Phục Man. Tên Giá (chỉ chuyến ngự giá của vua Lý) được đặt cho làng.
Cụm di tích Quán Giá - Rừng Giá tồn tại đến ngày nay đã trải qua cả 1 thời kỳ lịch sử khá dài của đất nước. Đặc biệt là từ sau thế kỷ 11 (đời vua Lý Nhân Tông). Cụm di tích luôn được quan tâm của làng Cổ Sở cũng như các triều đại vua. Vị thần hoàng của làng đã được nhiều lần ban sắc, cụm di tích luôn được tu sửa và hoàn thiện dần. Hiện nay, những kiến trúc cổ xưa chỉ còn gìn giữ được khu nền cổ, còn kiến trúc của các tòa nhà đã thay đổi. Còn 2 dãy tả Mạc có niên đại từ thế kỷ 17 (thời Lê). Theo các nguồn tư liệu có trong di tích và nhiều nguồn tư liệu khác thì :Quán Giá Yên Sở lúc đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ xây dựng lên (cạnh mộ của Lý Phục Man, xung quanh mộ được trồng cây) để tưởng nhớ người con quê hương đã hy sinh anh dũng vì nền độc lập của nước nhà. Trải qua một thời gian dài tồn tại đến năm 1016, đời vua Lý Thái Tổ nhân 1 lần đi qua vùng Cổ Sở, ông đã cho xây dựng lại các tòa của khu đền quán Giá, dựng tượng vị anh hùng. Giữa thế kỷ 13, vua Trần Thái Tôn cho xây dựng tiếp tiền đường. Đến thời Lê xây tiếp hai dãy hành lang (1668), cửa tam quan (1672), dãy cột đồng trụ (1682), đúc ngựa đồng (1707), máng đồng hứng nước (1803).
Khu di tích Quán giá hiện nay vẫn giữ nguyên được kết cấu trúc cảnh quan ban đầu: tam quan, sân và nhiều dãy nhà ngang dọc cấu thành. Nghi môn có cổng phụ hai bên và từ đây nối ra là bức tường bao, trên gắn 43 mảng chạm cổ bằng đất nung rất độc đáo, chạm nổi các đề tài dân gian, mỗi mảng có kích thước cao 25cm nếu là mảng chạm hoa có hình vuông, hoặc 28cm nếu là mảng chạm hình chữ nhật, có mảng hình rồng được chắp từ ba mảng nhỏ dài 106cm. Những mảng chạm này, ngoài các hình rồng, lân, voi, ngựa, hươu,… còn có một số hoạt cảnh như các cô gái tắm hồ sen, người đi săn, cày bừa, người cưỡi báo, đánh cờ,… Có một số người được ghi tên như Vương Sinh, Lão Tiên và một số câu chúc.
Hai ngôi nhà tả, hữu mạc có 12 gian, mặt bằng hình chữ Nhất đăng đối nhau qua sân. Kiến trúc bên ngoài xây gạch theo kết cấu kiểu tường hồi bít đốc, mái dốc chảy lợp ngói mũi. Kiến trúc các bộ vì chia gian theo kiểu kèo kẻ quá giang, tiếp xuống là tiền kẻ hậu bẩy. Nghệ thuật trang trí ít được thể hiện trên lớp kiến trúc mà thiên về bào trơn đóng bén, chỉ có bộ vì hồi làm theo kiểu ván mê gần nóc chạm rồng với một vài đao mác. Ở đây còn có các đầu dư chạm rồng với kỹ thuật chạm lộng, bong kênh để trang trí. Các cốn chồng rường ở hai bên vì kèo có chạm rồng ẩn trong đao mác song hành.
Trên nền cũ, nhân dân địa phương đã dựng lại nhà tiền tế, đại bái và hậu cung với quy mô thu nhỏ và đơn giản. Ngôi nhà hậu cung vẫn còn bức tường hồi xây từ thời Nguyễn với những ô trang trí và cột trụ phía trước có đắp nghê trên đỉnh. Cạnh hậu cung còn có nhà bia và nhà tuần canh. Phía hồi trái có nhà để ngựa và nhà bếp phục vụ cho các sinh hoạt lễ hội.
Quán Giá còn lưu giữ được ba pho tượng thờ Lý Phục Man ở giữa, hai bên là Phương Dung và Ả Nương. Lớp tượng thứ hai là bên thị nữ đứng làm hộ sĩ. Các pho tượng này được chạm trong tư thế trang nghiêm. Quán còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: hương án, kiệu gỗ, ngựa có niên đại thời Nguyễn, 5 tấm bia đá dựng các năm 1620, 1671, 1681, 1728 và 1803. Những tấm bia này giúp người đọc biết về thân thế của vị thành hoàng làng. Bia ghi rằng: Lý Phục Man sống ở thế kỷ VI là một vị tướng tài ba phò giúp Lý Nam Đế đánh giặc Lương và thu phục Lâm Ấp nên đã được vua gả công chúa và ban quốc tính. Cũng theo những văn bia này, thời Lý đã dựng đền tạc tượng Lý Phục Man, thời Trần cho mở rộng ngôi quán và gia phong mỹ tự, thời Lê Trung Hưng ban sắc xây nghi môn, thời Nguyễn làm máng đồng và hoành phi, câu đối ca ngợi sự linh thiêng của vị Thành hoàng.