Cuộc Đời Đức Phật - #38: Máu Ai Cũng Đỏ, Nước Mắt Ai Cũng Mặn | Đức Phật & Câu Chuyện Người Hốt Phân

Поділитися
Вставка
  • Опубліковано 26 гру 2024
  • Sau mùa an cư, Bụt và giáo đoàn chia nhau đi hành hóa tại các vùng lân cận ở thủ đô Xá Vệ. Số người được tiếp xúc với Bụt và với giáo đoàn càng ngày càng đông. Một hôm nọ, trong khi đi khất thực ở một xóm ven đô nằm bên tả ngạn sông Hằng, Bụt gặp một người gánh phân. Người này thuộc về giai cấp hạ tiện. Anh tên là Tu Ni Đà. Tu Ni Đà đã từng nghe nói về Bụt và giáo đoàn khất sĩ, nhưng đây là lần đầu tiên anh được trông thấy Bụt và giáo đoàn. Tu Ni Đà lúng túng. Anh biết anh đang ăn mặc dơ dáy, người anh hôi hám và trên vai anh đang gánh một gánh phân người. Tu Ni Đà vội vã tránh đường và tìm lối đi xuống bờ sông, nhưng từ xa Bụt đã trông thấy Tu Ni Đà. Người quyết tâm độ người gánh phân này. Thấy Tu Ni Đà tìm lối đi xuống bờ sông, Người cũng tìm lối đi xuống bờ sông để đón đường chàng. Thấy Bụt làm như thế, thầy Xá Lợi Phất cũng bỏ hàng ngũ của mình đi theo Bụt. Thầy Meghiuya, thị giả của Bụt thấy thế cũng bước theo đại đức Xá Lợi Phất. Tất cả các vị khất sĩ khác tuy vẫn còn đứng trong hàng ngũ, nhưng đều nhất loạt dừng lại im lặng quan sát.
    Tu Ni Đà luống cuống. Chàng đặt gánh phân xuống, dáo dác nhìn. Phía trên đường thì các vị khất sĩ áo cà sa vàng rực đang đứng đầy cả đường, phía dưới này thì Bụt và hai vị khất sĩ đang tiến tới và đi về phía mình. Chẳng biết làm sao, Tu Ni Đà liền lội xuống nước, đứng chắp hai tay lại.
    Lúc bấy giờ, từ dãy nhà bên sông, dân chúng đã đổ ra đứng nhìn khá nhiều. Từ già trẻ trai gái, không ai biết chuyện đang xảy ra. Tu Ni Đà vì sợ làm ô uế giáo đoàn đã tìm cách tránh xuống bờ nước, nhưng chàng đã bị Bụt chặn đường. Chàng nghĩ, giáo đoàn này gồm toàn các giới quý phái và làm ô uế giáo đoàn là một tội rất lớn không nào tha thứ được. Tuy chàng đã lội xuống sông, nước ngập tới đầu gối, nhưng gánh phân của chàng vẫn còn để phía trên bờ nước. Chàng hy vọng Bụt và hai vị khất sĩ vì thế mà trở lên phía đường trên trở lại. Nhưng Bụt không trở lên, người đi tới bờ nước, gần chỗ Tu Ni Đà đứng, người nói với chàng:
    Này anh bạn, anh lên trên này để chúng tôi nói chuyện. Tu Ni Đà chắp hai tay vái lia lịa.
    Bạch đại đức, con không dám! Bạch đại đức, con không dám!
    Tại sao? Bụt dịu dàng hỏi.
    Con là người thuộc giai cấp hạ tiện. Con sợ làm ô uế ngài và giáo đoàn của ngài.
    Bụt ôn tồn:
    Chúng tôi đã đi tu rồi, chúng tôi không còn phân biệt giai cấp. Bạn cũng là người như tất cả chúng tôi. Chúng tôi không sợ bị ô uế đâu. Chỉ có tham dục, sân hận và si mê mới làm ô uế được chúng ta, chứ một con người dễ thương như bạn thì chỉ cho chúng tôi thêm niềm vui mà thôi. Bạn tên là gì?
    Bạch ngài, con tên là Tu Ni Đà.
    Tu Ni Đà, bạn có muốn xuất gia làm khất sĩ như chúng tôi không?
    Con không dám.
    Tại sao bạn không dám?
    Tại vì con thuộc giới hạ tiện ngoại cấp.
    Tôi đã nói người đi tu không còn phân biệt giai cấp. Tu Ni Đà, Trong đạo lý tỉnh thức và trong giáo đoàn khất sĩ, không có sự phân biệt giai cấp. Bạn hãy nghe đây. Nước trong các dòng sông như sông Hằng, sông Yamuno, sông Actravati, sông Sarabhu, sông Mahi, sông Rohini v.v... một khi đã chảy ra biển cả rồi thì đều trở nên biển cả mà không còn giữ lại cá tính và danh hiệu riêng biệt của mình. Cũng như vậy, người đi xuất gia dù xuất thân từ giới quyền quý Khattiya hoặc giới Bà-la- môn Phạm Thiên, hoặc các giới Vessa và Suddha, hoặc không thuộc giai cấp nào, khi đã vào trong giáo đoàn để tu học theo đạo lý tỉnh thức thì đều phải từ bỏ giai cấp và chủng tộc của mình để trở nên một người khất sĩ. Tu Ni Đà, nếu bạn muốn, bạn có thể trở thành một vị khất sĩ như chúng tôi.
    Tu Ni Đà hân hoan vô cùng, chàng chắp hai tay trên trán, thưa:
    Lạy Bụt, chưa có ai nói với con một lời dễ thương như là người đã nói. Ngày hôm nay là ngày hạnh phúc nhất của đời con. Con sẽ rất sung sướng nếu Bụt cho con dự vào hàng ngũ những người xuất gia trong đạo lý của người. Nếu Bụt chấp nhận con, con sẽ đem hết lòng thành để theo người.
    Bụt trao bình bát cho thầy Meghiya. Người bước xuống bờ hồ và đưa tay cho Tu Ni Đà bảo chàng nắm lấy. Rồi người bảo thầy Xá Lợi Phất:
    Xá Lợi Phất! Thầy giúp tôi một tay. Chúng ta tắm gội sạch sẽ cho Tu Ni Đà và cho Tu Ni Đà xuất gia ngay tại đây, trên bờ nước này.
    Đại đức Xá Lợi Phất mỉm cười. Thầy đặt bình bát của thầy trên bờ sông và bước xuống giúp Bụt. Tu Ni Đà không cảm thấy thoải mái lắm khi được Bụt và thầy Xá Lợi Phất kỳ cọ và tắm rửa, nhưng chàng không dám làm phật lòng hai người. Bụt bảo thầy thị giả lên tìm đại đức A Nan để xin một chiếc y khoác ngoài và người làm lễ xuất gia cho Tu Ni Đà ngay trên bờ sông. Làm lễ xuất gia xong, Tu Ni Đà được giao cho đại đức Xá Lợi Phất. Đại đức đưa vị khất sĩ mới về tu viện Kỳ Viên, trong khi Bụt và giáo đoàn tiếp tục trên con đường khất thực.

КОМЕНТАРІ •